Chào các bạn, chắc hẳn khi mới bước chân vào thế giới Blockchain nói chung và thị trường Crypto nói riêng, thì đâu đó đôi lần chúng ta đã được nghe về Smart Contract hay còn gọi là Hợp đồng thông minh. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn khá mơ hồ chưa thật sự hiểu sâu sắc về nó như: Smart Contract là gì, nguồn gốc xuất xứ từ đâu, sinh ra để làm gì, ưu và nhược điểm ra làm sao?
Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây để có những thông tin chi tiết và một góc nhìn mới hơn về Smart Contract nhé!
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Nguồn gốc xuất xứ
Ý tưởng về việc tạo ra một Smart Contract thật ra đã có từ những năm thập niên 90, trước khi Bitcoin của Satoshi Nakamoto, hay Ethereum của Vitalik Buterin ra đời, khái niệm về Smart Contract đã thực sự tồn tại cùng với cái tên Nick Szabo – một nhà khoa học máy tính, mật mã học và là một luật sư, ông đã trình bày ra được những nguyên tắc và cách thức hoạt động của Smart Contract, nhưng do thời điểm ấy còn hạn chế về mặt công nghệ và chưa có đủ phương tiện, môi trường thích hợp để hiện thực hóa tất cả, nên mọi chuyện chỉ dừng lại ở “Những bước chân đầu tiên”.
Tuy nhiên chỉ sau đó khoảng hơn 10 năm, một “Kỳ quan” mới của nhân loại đã xuất hiện đó chính là công nghệ Blockchain, khi Bitcoin ra đời mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, nó đã đặt ra những nền tảng vững chắc nhất cho việc thiết lập một Smart Contract trên Blockchain. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ sức để thỏa mãn mọi yêu cầu, mãi cho đến khi Ethereum xuất hiện thì ý tưởng về Smart Contract mới được hiện thực hóa đưa vào rộng rãi, và đồng tiền mã hóa đầu tiên sỡ hữu Smart Contract không ai khác đó chính là Ethereum.
Smart Contract là gì ?
Để hiểu Smart Contract là gì chúng ta hãy nói về Centralized Ledger và Distributed Ledger một chút. Như chúng ta đã biết Centralized Ledger là Sổ cái tập trung, có nghĩa là tất cả các dữ liệu đều được lưu trữ tập trung tại một máy chủ duy nhất và ngược lại Distributed Ledger trên nghĩa là Sổ cái phân tán, tất cả các dữ liệu trên Blockchain đều được Copy ra một bản giống nhau và được chia sẽ ra trên các “Node”, dữ liệu hoàn toàn không bị tập trung tại một máy chủ nào cả và Smart Contract chính là nằm ở đây.
Trước khi Smart Contract ra đời hầu hết chúng ta đều sử dụng hợp đồng giấy, nghĩa là chúng ta phải gặp trực tiếp với nhau trao đổi, thảo luận sau đó thống nhất rồi mới đi đến ký kết hợp đồng. Kế đến là lưu trữ, bảo quản rất bất tiện dẫn đến tốn nhiều thời gian, công sức. Để giải quyết vấn đề trên chúng ta có một phiên bản hợp đồng mới ra đời đó là Smart Contract hay còn gọi là hợp đồng thông minh dựa trên nền tảng Blockchain.
Smart Contract là một sản phẩm hoàn toàn từ điện tử, nó được tạo nên từ những dòng “Code’’ sau đó tích hợp vào Blockchain và nó hoạt động dựa trên nguyên tắc “NẾU–THÌ” (Nếu điều này xảy ra thì điều kia mới xảy ra) và hoàn toàn tự động thực thi các nội dung đã được lập trình trước đó. Hơn nữa nó được sở hữu những tính năng “đặc biệt” mà nó hầu như không thể bị tấn công, thay thế hay chỉnh sửa. Vậy làm thế nào Smart Contract có được những tính năng như vậy mời các bạn xem tiếp phần tiếp theo.
Những đặc tính của Smart Contract
Tính bất biến: Smart Contract nó là một đoạn mã được khởi tạo trong Blockchain và được thừa hưởng những thuộc tính của Blockchain đó, khi một hợp đồng được tạo lên rồi thì nó sẽ không thể thay đổi nữa. Ví dụ: Trong hệ thống đó có tất cả 1000 Node mỗi Node giữ một bản Copy của Sổ cái phân tán thì khi một Node tự ý thay đổi, chỉnh sửa một thông tin gì đó thì 999 Node còn lại nó sẽ phát hiện, báo lỗi và từ chối hành động đó.
Tính phân tán: Như đã trình bày ở trên thì khi một Smart Contract được tạo nên nó sẽ phân tán ra tất cả các Node của nó trong hệ thống và thông tin chi tiết trên Smart Contract được cập nhật đầy đủ cho các Node đó .
Tính minh bạch: Tất cả mọi người trên thế giới đều có thể thấy được Smart Contract này, hoàn toàn công khai, tất cả các thông tin đều được List chi tiết trên đó.
Tính tiện lợi: Như chúng ta đã biết hợp đồng giấy rất bất tiện tốn nhiều thời gian công sức nhưng khi Smart Contract ra đời nó đã giải quyết triệt để vấn đề trên không bị giới hạn về thời gian và địa lý.
Những hạn chế của Smart Contract
Tính pháp lý: Do Smart Contract chưa được pháp luật bảo vệ và quản lý nên khi gặp phải những dự án Scam hoặc lỗi phát sinh liên quan thì nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ quyền lợi.
Rủi ro từ Internet: Nếu chúng ta không bảo mật kỹ thông tin “bí mật” để lộ ra bên ngoài thì có thể sẽ gặp phải những rắc rối từ Hacker.
Nhân tố con người: Smart Contract được tạo nên từ con người nên việc mắc lỗi là hoàn toàn có thể xảy ra, mà một khi đã khởi tạo trên Blockchain rồi thì sẽ không thể thay đổi và chỉnh sửa được.
Ứng dụng của Smart Contract
Để hiểu rõ hơn ứng dụng của Smart Contract hoạt động như thế nào mời các bạn xem ví dụ dưới đây.
Những người chủ dự án họ muốn huy động vốn từ cộng đồng, theo như mô hình truyền thống thì phải có một tổ chức trung gian uy tín làm cầu nối giữa những nhà đầu tư và chủ dự án, nhiệm vụ của họ là tiếp nhận nguồn vốn và trao lại cho những chủ dự án đó, nhưng nếu dự án kêu gọi vốn thất bại thì tổ chức trung gian cũng phải đảm nhiệm luôn việc hoàn tiền lại cho những nhà đầu tư, điều này mất rất nhiều thời gian và công sức.
Khi Smart Contract ra đời thì chủ dự án chỉ cần soạn thảo đầy đủ thông tin trình bày lên trên Smart Contract, tất cả các nhà đầu tư đều thấy được đầy đủ nội dung chi tiết, nếu họ thấy dự án trên hợp lý, khả thì khắp nơi trên thế giới họ sẽ tiến hành chuyển tiền để đầu tư lên dự án đó, còn nếu dự án thất bại, mục tiêu kêu gọi vốn không hoàn thành hoặc là gặp một sự cố gì đó thì tiền sẽ tự động chuyển trả về cho các nhà đầu tư mà không cần thông qua một tổ chức các nhân nào cả, rất tiện lợi và tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra Smart Contract còn ứng dụng rất lớn vào thế giới (NFT) tạo ra những sản phẩm “độc quyền” như tranh ảnh nghệ thuật và những vật phẩm trong Game…, tương lai Smart Contract sẽ ứng dụng vào cuộc sống thực tiễn của chúng ta rất nhiều như vận chuyển, ngân hàng, bất động sản, âm nhạc, y tế…nhưng mọi thứ chỉ mới bắt đầu tất cả còn phải trải qua một hành trình dài phía trước.
Tổng kết
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về Smart Contract từ đó có một cái nhìn tổng thể, bao quát hơn về thế giới Blockchain đầy mênh mông rộng lớn này. Để tìm hiểu thêm những thông tin về các chủ đề khác các bạn vui lòng tham gia vào các kênh truyền thông của VF-Ventures để cập nhật nhiều thông tin giá trị.